CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG VÀ LOẠI TRỪ SỐT RÉT
Sốt rét là một bệnh sốt cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt từ muỗi Anopheles. Sốt rét là một căn bệnh lâu đời, hiện chưa có vắc xin nhưng bệnh có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Chính vì vậy, để làm giảm số ca mắc, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh như làm rèm ở các khoảng không gian còn trống để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người.
Bệnh sốt rét có thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhưng nếu người mắc bệnh này không uống thuốc đúng và đủ liều sẽ xuất hiện triệu chứng trở lại, nguy cơ gây ra sốt rét kháng thuốc. Các chuyên gia cảnh báo, người dân khi có các triệu chứng nghi ngờ nên đến ngay cơ sở y tế đủ điều kiện để được xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng và cấp thuốc điều trị.
Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25/4/2024 với chủ đề: “Dồn tổng lực về đích để loại trừ sốt rét tại Việt Nam”, nhằm truyền thông rộng rãi tới người dân về phòng, chống và loại trừ sốt rét, thu hút sự quan tâm ủng hộ của các cấp lãnh đạo, đoàn thể, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét.
Trên địa bàn thành phố Đà Lạt, những năm gần đây không ghi nhận ca mắc Sốt rét tại chỗ tuy nhiên người dân không được lơ là, chủ quan, cần biết các biện pháp phòng chống Sốt rét để chủ động phòng ngừa như sau:
- Thường xuyên ngủ màn, ngay cả ban ngày và màn cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Đây là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh Sốt rét.
- Buổi tối khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi.
- Vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, loại bỏ những nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ, quần áo phải được xếp gọn gàng không nên treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, vv...
- Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, dùng các biện pháp để phòng tránh muỗi đốt.
- Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Đau đầu, mệt mỏi, đau các cơ, rối loạn tiêu hóa, rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
HƯỚNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG VÌ AN TOÀN THỰC PHẨM
An toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống xã hội, không những nó ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khỏe con người, đến sự phát triển của giống nòi, thậm chí tính mạng của người sử dụng, mà còn ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, du lịch và an ninh, an toàn xã hội. Bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ nâng cao sức khỏe người dân.
Năm 2024, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Tháng hành động vì an toàn thực phẩm diễn ra từ ngày 15/4-15/5 nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thực hành trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp và người dân. Khắc phục những khó khăn, thách thức trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm như: tình trạng thực phẩm lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn còn tồn tại trên thị trường; việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý,…
Quán ăn trong chợ đêm
Hưởng ứng tháng hành động ATTP, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm chuẩn bị trước dịp lễ 30/4 và 1/5, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã phối hợp với các ban ngành đoản thể thực hiện kiểm tra, giám sát thực phẩm tại các cơ sở ăn uống trong và ngoài chợ Đêm Đà Lạt (số 1 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 1, Đà Lạt), Khu ẩm thực đêm Vườn hoa thành phố (số 2 Trần Nhân Tông, Phường 8, Đà Lạt). Công tác kiểm tra, giám sát, an toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương được quan tâm và đẩy mạnh.
Bên cạnh thực hiện kiểm tra, giám sát thì đoàn cũng tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời triển khai thực hiện truyền thông qua các phượng tiện thông tin đại chúng cũng được chú trọng mạnh mẽ trong tháng hành động ATTP. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tẩy chay thực phẩm bẩn để bảo vệ sức khỏe cho những “mầm xanh” tương lai.
BỆNH DẠI VÀ CÁCH PHÒNG BỆNH DẠI
Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Chó, mèo là vật nuôi thân thiết đối với rất nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình chăm sóc không chú ý đến việc tiêm phòng, theo dõi các biểu hiện khi vật nuôi bị bệnh, chúng sẽ có nguy cơ gây hại đến sức khỏe của con người.
Khi đã lên cơn dại, người bệnh chắn chắn sẽ tử vong 100%. Điều đáng nói, các ca tử vong vì dại chủ yếu là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Chính tâm lý chủ quan “chó nhà” nên đã dẫn đến nhiều hậu quả đáng tiếc.
Dưới đây là một số biện pháp phòng, chống hiệu quả:
1. Bệnh dại là gì?
Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật.
Bệnh do một loài virus hướng thần kinh gây ra, thường gây tác hại thần kinh, bắt nguồn từ não và tủy sống. Vật bị bệnh thường điên cuồng hay bại liệt rồi chết. Ở nước ta, nguồn bệnh dại chủ yếu là từ chó, mèo.
2. Nguồn bệnh và thời gian ủ bệnh:
- Nguồn bệnh: Ở nước ta, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu chiếm đến hơn 90%, sau đó là mèo nhà.
- Đường lây truyền: Vi rút xâm nhập qua vết cắn, vết cào, vết liếm, da, niêm mạc bị tổn thương, vết thương hở.
- Thời gian ủ bệnh ở động vật có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng, có thể lâu hơn. Sau khi bị chó, mèo mắt bệnh dại cắn, thời gian ủ bệnh thường từ 01 - 03 tháng. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
3. Triệu chứng:
Bệnh dại thường chia làm 2 thể: Thể dại điên cuồng và thể bại liệt.
* Biểu hiện của bệnh dại trên người:
Thời gian ủ bệnh ở người thường từ 2 - 8 tuần, có thể kéo dài đến trên 1 năm. Thời gian này phụ thuộc vào tình trạng nặng, nhẹ của vết thương, vị trí vết thương và số lượng virus được truyền sang người. Người bị mắc bệnh dại cũng có 2 thể bệnh lâm sàng là thể:
- Thể điên cuồng (hung dữ): thường biểu hiện triệu chứng gào thét, tăng cảm giác của các giác quan, sợ gió, sợ nước nên thường được gọi là bệnh sợ nước, bị hoang tưởng, đập phá, co thắt thanh quản...
- Thể bại liệt: bệnh nhân thường nằm im lìm, hay có liệt hướng lên, liệt hô hấp. Tất cả các bệnh nhân lên cơn dại đều bị tử vong sau 7 -10 ngày.
* Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn.
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
+ Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
+ Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%.
+ Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
+ Đến ngay trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
+ Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân giang, gia truyền.
+ Đối với chó nuôi có đăng ký đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong vòng 14 ngày.
+ Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh dại mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày; trong trường hợp chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy.
Ngoài bệnh dại, chó và mèo còn truyền nhiều căn bệnh khác, trong đó có không ít bệnh nguy hiểm, khó chữa. Vì vậy, những gia đình có trẻ em nên hạn chế nuôi chó, mèo, vì trẻ em thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải. Đặc biệt là không cho trẻ nhỏ chọc phá, trêu ghẹo chó, mèo lạ, nhất là chó, mèo chạy rong ngoài đường.
HÃY PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO VÌ MỘT TƯƠNG LAI TỐT ĐẸP
Ngày Thế giới Phòng chống lao được tổ chức vào ngày 24 tháng 3 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lao tới sức khỏe con người, kinh tế và xã hội. Đồng thời thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bệnh lao trên toàn cầu.
Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống Lao năm nay trên toàn cầu là “Đúng! Việt Nam có thể chấm dứt bệnh Lao”. Chủ đề nhấn mạnh về việc huy động sức mạnh tổng thể, thu hút sự quan tâm, tập trung mọi nguồn lực nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống bệnh lao.
Bệnh lao có nhiều thể: Lao phổi, lao hạch bạch huyết, lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao ruột, lao xương khớp, lao hệ sinh dục - tiết niệu. Ngoài thể lao phổi, các thể lao khác ít có nguy cơ truyền bệnh cho người khác. Những dấu hiệu của bệnh lao phổi: Ho khạc kéo dài trên 2 tuần là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh lao phổi, ngoài ra có thể kèm theo các triệu chứng khác:
- Ho ra máu;
- Sốt nhẹ kéo dài, đổ mồ hôi ban đêm;
- Đau tức ngực;
- Gầy sút cân.
Phòng lây nhiễm bệnh lao cho cộng đồng:
- Để phòng chống bệnh lao có hiệu quả, ngay tháng đầu sau sinh, tất cả trẻ đều phải tiêm phòng vắc-xin BCG nhằm giúp ngăn ngừa mắc bệnh Lao;
- Mọi người khi ho kéo dài hơn 02 tuần cần đi khám, xét nghiệm đờm, chụp X.quang phổi để phát hiện bệnh lao;
- Bị bệnh lao phải điều trị càng sớm càng tốt, tránh lây lan cho những người trong gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh nhân lao không được khạc nhổ bừa bãi, tốt nhất đeo khẩu trang liên tục trong 02 tháng đầu điều trị. Cần phơi chăn, chiếu, vật dụng của bệnh nhân lao ra nắng mỗi ngày;
- Giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng, rèn luyện nâng cao sức khoẻ, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý;
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nghi ngờ mắc bệnh lao cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện sớm, tránh lây bệnh cho người khác.
TỔ CHỨC SÚC MIỆNG FLOUR CHO HỌC SINH NĂM HỌC 2023-2024
Chăm sóc sức khỏe nói chung và bệnh răng miệng nói riêng luôn là vấn đề được chú trọng quan tâm trong nhà trường. Bệnh răng miệng thường gặp nhất ở lứa tuổi học sinh là bệnh sâu răng. Sâu răng chính là sự phá hủy cấu trúc của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng. Sâu răng là bệnh thường gặp ở nhiều lứa tuổi, nhiều nhất là ở trẻ em. Răng sâu là nơi chứa các mảnh vụn của thức ăn, lên men, gây hôi miệng và làm hỏng răng. Khi bị sâu răng sẽ làm cho chúng ta đau đớn, biếng ăn, mất ngủ, gầy sút cân sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng. Nếu không được chữa trị, bệnh này có thể dẫn đến đau răng, rụng răng, nhiễm trùng và tử vong.
Fluor là một khoáng chất tự nhiên giúp ngừa sâu răng. Nó giúp phục hồi khoáng hoá men răng và ngăn ngừa các vi khuẩn gây hại tích tụ trên răng. Làm giảm sự hình thành mảng bám răng giúp phòng ngừa bệnh viêm nướu và nha chu.
Để chủ động phòng chống sâu răng nên cho học sinh xúc miệng bằng dung dịch nước Flour 0,2% 1 tuần một lần. Ngay từ đầu năm các trường học đã tổ chức tuyên truyền về tác dụng của việc súc miệng bằng dung dịch Natri Flour 0,2% tới toàn thể các em học sinh đồng thời cho các em súc miệng bằng dung dịch Natri Fluor 0,2% vào thứ 5 hàng tuần để chăm sóc và bảo vệ răng miệng cho các em.
Trạm Y tế và trường học luôn quan tâm phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác y tế trường học, Trạm Y tế thực hiện giám sát, hỗ trợ công tác xúc miệng bằng Flour 0,2 % tại tất cả các trường học, hướng dẫn cho cán bộ y tế trường học và giáo viên trong công tác chuẩn bị các đồ dùng cần thiết, thực hiện pha và rót dung dịch Fluor đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn, hiệu quả, hợp vệ sinh.
Với việc duy trì súc miệng bằng dung dịch Natri flour 0,2% hàng tuần tới toàn thể các em học sinh sẽ góp phần bảo vệ hiệu quả răng miệng cho các em. Bên cạnh đó các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám răng định kỳ để đảm bảo sức khỏe răng miệng của trẻ. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường như răng bị ố vàng, chảy máu chân răng, sâu răng, răng mọc chen chúc, mọc chìa ra ngoài… cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐẢM BẢO ATTP DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN GIÁP THÌN 2024
Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang đến gần, hoạt động mua bán các mặt hàng cũng diễn ra tấp nập khắp các nẻo đường từ trung tâm thành phố đến vùng ven, ngoài sản phẩm thông dụng của các công ty sản xuất trong nước, người tiêu dùng còn gặp khá nhiều các mặt hàng nhập khẩu như bánh kẹo, đồ uống, mứt hoa quả, nước giải khát, rượu..., hay các mặt hàng thủ công quy mô gia đình tự chế biến như bánh, mứt, khô gà, khô bò… Để chủ động trong việc đảm bảo vệ sinh ATTP người dân cần lưu ý khi lựa chọn sản phẩm sử dụng cho ngày tết.
Để có thể mua được hàng hoá đảm bảo chất lượng, mọi người hãy cảnh giác và tuân thủ nguyên tắc nói không với thực phẩm trôi nổi trên thị trường, tránh mua những sản phẩm không ghi rõ tên, nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ của nhà sản xuất và không ghi hạn sử dụng. Thực hiện tốt nguyên tắc Mua sắm thông minh, ăn uống hợp lý không nên có thói quen mua và tích trữ quá nhiều thực phẩm trong ngày tết tránh đồ ăn dễ bị hỏng lại mất ngon và lãng phí. Chỉ nên chuẩn bị thực phẩm cho 2 đến 3 ngày tết và cần có chế độ ăn hợp lý cho những thành viên, theo độ tuổi trong gia đình.
Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân. Do đó để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng toàn thể người dân chúng ta cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm sau:
1. Chọn thực phẩm an toàn. Chọn thực phẩm tươi. Rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn. Thực phẩm đông lạnh để tan đá, rồi làm đông đá lại là kém an toàn.
2. Nấu chín kỹ thức ăn. Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn là bảo đảm nhiệt độ trung tâm thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
3. Ăn ngay sau khi nấu. Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ. Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng và nhất thiết phải được đun kỹ lại.
6. Tránh ô nhiễm chéo giữa thức ăn chín và sống với bề mặt bẩn. Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn (như dùng chung dao, thớt để chế biến thực phẩm sống và chín).
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Nếu bạn bị nhiễm trùng ở bàn tay, hãy băng kỹ và kín vết thương nhiễm trùng đó trước khi chế biến thức ăn.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn. Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác. Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn... Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
10. Sử dụng nguồn nước sạch an toàn. Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
ĐỒNG LOẠT TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN 5 TRONG 1 (SII) MIỄN PHÍ CHO TRẺ TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG MỞ RỘNG
TẠI 16 TRẠM Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Trong năm 2023, tình trạng thiếu hụt vắc xin 5 trong 1 (SII) diễn ra trong thời gian dài, dẫn đến việc trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm chủng đầy đủ, là nỗi lo của các bậc phụ huynh và hệ thống y tế.
Vắc xin 5 trong 1 là vắc xin phối hợp ngừa cùng lúc 5 loại bệnh quan trọng có khả năng gây tử vong hoặc tàn tật như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib (viêm phổi – viêm màng não mủ do Haemophyllus influenza type B, đây là vắc-xin phòng một số bệnh bắt buộc theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017.
Sau một thời gian thiếu hụt vắc-xin DPT-VGB-Hib (SII) trong đợt tiêm chủng tháng 1/2024, Thành phố Đà Lạt sẽ được phân bổ 650 liều từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lâm Đồng, tất các các Trạm Y tế trên địa bàn thành phố Đà Lạt sẽ cấp phát vắc xin để triển khai tiêm vắc xin SII ngay trong tháng 1/2024.
Theo hướng dẫn từ chương trình tiêm chủng vắc xin sẽ được ưu tiên cho trẻ từ 2 - 18 tháng tuổi chưa tiêm mũi 1 và tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi vắc xin DPT-VGB-Hib gồm cả trẻ trên 12 tháng.
Để chủ động nâng cao miễn dịch, phòng chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, các bậc phụ huỳnh hãy đưa trẻ đến các Trạm Y tế trên địa bàn sinh sống để được tiêm vắc xin 5 trong 1 miễn phí vào ngày 15/01/2024 và ngày 16/01/2024.
TRIỂN KHAI UỐNG THUỐC TẨY GIUN TRONG TRƯỜNG HỌC
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Bệnh nhiễm giun sán là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng. Ở Việt Nam, có khí hậu nhiệt đới gió mùa nắng nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho giun sán đường tiêu hóa phát triển và lây lan. Tỷ lệ nhiễm giun sán cũng rất cao nhiều trường hợp gây biến chứng nguy hiểm có thể tử vong như: thiếu máu nặng do giun móc, giun chui ống mật, tắc ruột do giun, viêm tắc đường mật do sán lá gan nhỏ, ho ra máu do sản lá phổi, áp xe gan do sán lá gan lớn, viêm não, màng não có bạch cầu ái toan tăng do giun tròn. Hầu hết giun sán không gây được miễn dịch bảo vệ, nên sau khi khỏi người bệnh vẫn bị tái nhiễm.
Hoạt động tẩy giun nhằm, phòng chống bệnh giun, sán cho trẻ em, góp phần vào việc nâng cao sức khoẻ, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh lứa tuổi tiểu học. Trung tâm Y tế Đà Lạt đã phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo thành phố, Trạm Y tế phường/xã và các Trường Tiểu học trên địa bàn triển khai Kế hoạch số 140/KHLN-TTYT ngày 13/11/2023 thực hiện tẩy giun đợt 2/2023 cho học sinh tiểu học tại 29 trường tiểu học chính và 6 phân hiệu.
Để chuẩn bị tốt cho chiến dịch và đảm bảo tất cả học sinh tiểu học được tẩy giun đủ liều, đảm bảo đúng kỹ thuật, an toàn và chất lượng. Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo Trạm Y tế các xã, phường phối hợp các trường tiểu học lập thời gian biểu cho uống thuốc của các lớp hoặc các khối trong trường; các giáo viên chủ nhiệm giao trách nhiệm cho học sinh uống thuốc tại lớp, dưới sự giám sát chuyên môn của cán bộ y tế; thông báo cho cha mẹ học sinh biết ngày tẩy giun cho học sinh, những điều cần cha mẹ quan tâm (không để trẻ nhịn ăn trong ngày uống thuốc, theo dõi trẻ sau khi uống thuốc); phân công người chuẩn bị nước uống, cốc chén đầy đủ cho học sinh uống thuốc. Công tác theo dõi phản ứng sau khi uống thuốc được tiến hành chặt chẽ. Ngoài ra thông qua chiến dịch này trong khi thực hiện tẩy giun các cô giáo cùng với nhân viên y tế tuyên truyền lợi ích của tẩy giun, tác hại của nhiễm giun sán, biện pháp phòng, chống bệnh tại cộng đồng cho các em và bậc phụ huynh học sinh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành vi về phòng chống giun truyền qua đất và các bệnh có liên quan. Kết thúc đợt toàn thành phố đã tiến hành tẩy giun cho 20.410/20.956 học sinh đạt 97,39%.
Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh giun đường ruột tại cộng đồng:
1. Biện pháp cá nhân:
- Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần ở trẻ em và người lớn. Sử dụng các loại thuốc tẩy giun theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi chơi đùa, sau khi tiếp xúc với đất và sau khi đi đại tiện. Luôn cắt móng tay sạch sẽ, không mút ngón tay.
- Luôn đi giày, dép, không ngồi lê trên đất.
- Ăn uống bảo đảm vệ sinh, ăn chín, uống chín.
- Giữ vệ sinh cá nhân như: cắt móng tay, móng chân ngắn, sạch.
- Đi giày, dép, găng tay khi tiếp xúc với đất ẩm.
2. Vệ sinh môi trường:
- Xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không dùng phân tươi bón ruộng và cây trồng, không phóng uế bừa bãi.
- Thường xuyên vệ sinh trường lớp, nhà cửa sạch sẽ./.
THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH
UỐNG VITAMIN A CHO TRẺ TỪ 6 – 36 THÁNG TUỔI
Vitamin A là một vi chất có vai trò quan trọng đặc biệt đối với trẻ nhỏ, cần thiết cho sự phát triển thể chất, điều hoà tổng hợp protein, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt. Vitamin A còn đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, niêm mạc, da, ngoài ra còn đóng vai trò trong tăng trưởng và tăng cường miễn dịch của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus.
Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam đã được cải thiện đặc biệt trên 2 đối tượng bà mẹ và trẻ em. Cụ thể, thống kê cho thấy tình trạng thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm từ 14.2% xuống còn 9.5%, vitamin A trong sữa mẹ thấp đã giảm từ 35.5% xuống còn 18.3%. Đây là thành quả chiến dịch bổ sung viên nang vitamin A một năm 2 lần cho trẻ em trong độ tuổi được uống.
Chính vì vậy tiếp tục quan tâm phòng chống thiếu Vitamin A là thiết thực và rất cần thiết cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khoẻ cho trẻ, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã xây dựng Kế hoạch số 141/KH-TTYT ngày 15/11/2023 về việc triển khai uống Vitamin A và cân đo trẻ em đợt II/2023 trên địa bàn thành phố.
Uống Vitamin A và cân đo trẻ trong chiến dịch
Tại Trạm Y tế, trẻ còn được cán bộ nhân viên y tế cân trọng lượng, đo chiều cao và khuyến cáo các bà mẹ phương pháp chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cần thiết theo độ tuổi để trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần.
Kết thúc đợt uống toàn thành phố đã có 7.879 trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng tuổi được uống Vitamin A đạt 99,6%.
ĐÀ LẠT TRIỂN KHAI TẬP HUẤN KIẾN THỨC ATTP CHO NGƯỜI DÂN TRÊN ĐỊA BÀN
Được mệnh danh là Thiên đường du lịch, Đà Lạt là điểm đến lý tưởng của biết bao du khách. Nơi đây có khí hậu mát mẻ, xứ sở của các loài hoa đua sắc, cũng như nhiều món ăn hấp dẫn đã thu hút lượng khách du lịch đến Đà Lạt.
Với đặc điểm phát triển mạnh về du lịch, dịch vụ ăn uống, thì vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phồ Đà Lạt đặc biệt quan trọng. Để có những món ăn ngon, hấp dẫn du khách thì người kinh doanh phải luôn đặt chất lượng lên hàng đầu.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là được đặt lên hàng đầu để đảm bảo an toàn và sức khỏe của con người khi tiêu thụ thực phẩm. Bao gồm việc kiểm soát và giám sát toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến, lưu trữ, vận chuyển, bán hàng và tiêu thụ thực phẩm.
Để đạt được vệ sinh an toàn thực phẩm, các tổ chức và doanh nghiệp thực phẩm phải tuân thủ các quy định và hướng dẫn về an toàn thực phẩm. Hướng tới lễ kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển, cũng như mùa du lịch lễ hội cuối năm, nhằm cung cấp kiến thức để các cơ sở thực hành an toàn vệ sinh tốt nhất, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã xây dựng Kế hoạch số 135/KH – TTYT ngày 03/11/2023 về tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho các đối tượng kinh doanh dịch vụ ăn uống (quán ăn, cà phê, giải khát, hàng rông,…), dịch vụ nấu ăn, bếp ăn tập thể,…cho người dân trên toàn địa bàn thành phố.
Vệ sinh an toàn thực phẩm được thiết lập để đảm bảo rằng thực phẩm được sản xuất và phân phối đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng, không gây hại cho sức khỏe của con người, lựa chọn nguyên liệu tươi, sạch, đảm bảo nguồn gốc trong chế biến thực phẩm, cách bảo quản thực phẩm, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, quy trình thực hiện kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm, các điều kiện về cơ sở vật chất, con người để phục thực phẩm.
Buổi tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm được tổ chức tại UBND các phường xã, đã thu hút sự tham gia của rất nhiều các cơ sở kinh doanh, người chế biến, phục vụ thức ăn trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
ĐÀ LẠT HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA
PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS NĂM 2023
Vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) tấn công vào vào các tế bào của hệ thống miễn dịch, phá hủy hoặc làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Khi vi rút tiến triển, hệ thống miễn dịch sẽ yếu dần và người nhiễm HIV sẽ dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Giai đoạn nặng nhất trong quá trình nhiễm HIV là giai đoạn AIDS, còn gọi là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS). Quá trình từ lúc nhiễm HIV cho đến lúc chuyển sang giai đoạn AIDS có thể kéo dài từ 10 đến 15 năm, và thuốc kháng vi rút sẽ giúp làm chậm lại quá trình tiến triển này. Virus HIV được lây truyền qua quan hệ tình dục không được bảo vệ (quan hệ qua âm đạo hoặc hậu môn), qua truyền máu đã bị nhiễm HIV, do dùng chung bơm kim tiêm đã bị nhiễm HIV, và lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, sinh nở và cho bú.
Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2023 diễn ra từ 10/11-10/12 có chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”
Chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV, không còn người tử vong do AIDS mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng. Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau: Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm. Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1,0/100.000 dân. Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%.
HIV/AIDS không phải chỉ những người “xấu”, người dính vào tệ nạn xã hội mới nhiễm HIV mà tất cả mọi người đều có thể nhiễm HIV nếu không thực hiện các hành vi an toàn. Dưới đây các biện pháp dự phòng lây truyền HIV mọi người nên thực hiện:
- Phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục: Sử dụng Bao cao su (BCS) trong các lần quan hệ tình dục làm giảm lây truyền HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Đối với nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) sử dụng Bao cao su, chất bôi trơn (CBT) trong những lần quan hệ tình dục.
- Phòng lây nhiễm HIV qua đường máu: Đối với những người tiêm chích ma túy sử dụng bơm kim tiêm (BKT) sạch, không dùng chung BKT. Điều trị Methadone để không phải sử dụng ma túy..
- Phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con: Phụ nữ mang thai (PNMT) đến khám thai tại trạm Y tế được tư vấn xét nghiệm HIV miễn phí. PNMT nhiễm HIV được điều trị ARV và con của họ được dự phòng làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.
- Điều trị bằng thuốc kháng vi rút (Điều trị ARV) có thể giúp khống chế được vi rút và giúp người nhiễm HIV có một cuộc sống khỏe mạnh và có ích. Điều trị ARV cũng giúp ngăn chặn sự lây lan của HIV. Ngoài việc được điều trị ARV, sử dụng bao cao su trong quan hệ tình dục và dùng bơm kim tiêm riêng, sạch khi tiêm chích ma túy vẫn là các biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa sự lây truyền của HIV.
- Ở Việt Nam bệnh HIV tập trung chủ yếu ở những nhóm có nguy cơ cao nhất, như những người tiêm chích ma túy, người bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo PrEP biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV đây biện pháp dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho những người có hành vi nguy cơ cao chưa nhiễm HIV.
Tích cực phòng chống HIV/AIDS, mỗi tổ chức, cá nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình vì sức khỏe cộng đồng, tham gia các hoạt động phòng chống HIV/AIDS của địa phương. Kịp thời phát hiện sớm phát hiện các trường hợp nhiễm HIV mới và đảm bảo các trường hợp nhiễm HIV đều được điều trị ARV cũng như các hoạt động can thiệp giảm tác hại khác để từng bước hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.
ĐÀ LẠT HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI
PHÒNG, CHỐNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG – 14/11
Bệnh đái tháo đường là bệnh mãn tính. Các dấu hiệu nghi ngờ mắc ĐTĐ bao gồm uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều và nhìn mờ. Nếu không chữa trị, bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng như: hạ đường huyết, hôn mê, nhiễm toan ceton, bệnh lý võng mạc, loét chân, suy thận mạn tính, bệnh tim mạch, đột quỵ, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường – 14/11 Trung tâm Y tế Đà Lạt đã xây dựng Kế hoạch số 130/KH–TTYT ngày 19/10/2023 về Truyền thông tháng cao điểm phòng chống bệnh đái tháo đường 14/11/2023, tuyên truyền các nội dung về Đái tháo đường thai kỳ cho phụ nữ vì một sức khỏe và tương lai hạnh phúc; Xét nghiệm đường máu để phát hiện bệnh đái tháo đường và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm; thực hành dinh dưỡng, hoạt động thể lực hợp lý để phòng bệnh ĐTĐ.
Bệnh đái tháo đường là bệnh mắc phải, hoàn toàn có thể phòng, chống được, bằng cách: Mọi người đi xét nghiệm đường máu để sớm phát hiện bệnh, điều trị kịp thời. Đặc biệt là những người có nguy cơ cao như: từ 40 tuổi trở lên, từng được xác định rối loại đường huyết, thừa cân, béo phì, mắc bệnh lý tim mạch, có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường, phụ nữ từng mắc đái tháo đường thai kỳ… Bên cạnh đó mọi người cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, nhằm kiểm soát cân nặng (BMI từ 18-25) và lượng mỡ dư thừa, cần ăn nhiều rau, trái cây, thực phẩm tự nhiên còn tươi, tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm nhiều chất béo, nhiều tinh bột, thức uống có nhiều đường. Mọi người dân bỏ thói quen xấu (hạn chế sử dụng rượu bia, không hút thuốc lá). Tăng cường hoạt động thể lực, chọn một môn thể thao để luyện tập. Đi bộ là phương pháp dễ thực hiện và không gây tốn kém.
Người mắc bệnh Đái tháo đường cần tuân thủ nghiêm ngặt chế độ điều trị của bác sĩ. Chăm sóc dinh dưỡng ăn uống đầy đủ, cân đối và hợp lí (ăn uống tiết chế). Xét nghiệm theo dõi đường huyết thường xuyên, ghi chép các chỉ số đường huyết cẩn thận. Biết cách theo dõi hiệu quả điều trị, các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị bệnh ĐTĐ.
Nhiệt liệt hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống bệnh đái tháo đường – 14/11, mọi người hãy quan tâm và chung tay phòng chống bệnh đái tháo đường vì một tương lai sức khỏe lành mạnh./.
Trung tâm Y tế Đà Lạt tập huấn triển khai hoạt động rà soát tiền sử và tiêm chủng bù liều cho trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học
Tiêm chủng vắc xin là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để nâng cao miễn dịch cộng đồng phòng chống bệnh dịch. Các vắc xin được cung cấp miễn phí cho trẻ nhỏ trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trong các năm qua, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trên phạm vi toàn quốc đạt tương đối cao. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ nhỏ trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ, ước tính trung bình hàng năm có 100.000 - 200.000 trẻ không được tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong chương trình TCMR.
Trường học là môi trường tập trung số lượng lớn trẻ em, có nguy cơ cao lây truyền dịch bệnh nếu trẻ chưa được tiêm ngừa đầy đủ. Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh hoạt động kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tiêm chủng bù mũi vắc xin cho trẻ em nhập học là việc làm cần thiết. Để hoạt động này đạt hiệu quả cao cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo trong kiểm tra tiền sử tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng bù liều cho trẻ khi nhập học. Theo kế hoạch này 100% các đối tượng trẻ nhập học tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học (lớp 1) được rà soát tiền sử tiêm chủng và tổ chức tiêm chủng bù liều cho trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine sởi, sởi-rubella (MR), bại liệt (bOPV, IPV), viêm não Nhật Bản đạt 90%.
Để chuẩn bị tốt cho hoạt động rà soát và tiêm chủng bù liều, ngày 26/10/2023 Trung tâm Y tế Đà Lạt đã tổ chức tập huấn triển khai kế hoạch cho cán bộ y tế tại 16 phường xã trên địa bàn thành phố Đà Lạt.
Tại buổi tập huấn ông Phạm Đắc Nguyện – Phó giám đốc Trung tâm Y tế Đà Lạt đã truyền tải các nội dung, thông tin trọng tâm nhất của kế hoạch như: Đối tượng cần được rà soát, quy trình thu thập thông tin, rà soát thông tin tiêm chủng, tổ chức tiêm chủng bù liều cho trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin.
Kết thúc buổi tập huấn các học viên đã nắm được những bước cần phải làm cũng như xác định được những việc cần tham mưu cho lãnh đạo đơn vị để có một quy trình phối hợp rà soát giữa nhà trường và Trạm Y tế một cách hiệu quả nhất.
Sức khỏe sinh sản vị thành niên (SKSS VTN): “Là tình trạng khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội của tất cả những gì liên quan đến cấu tạo và hoạt động của bộ máy sinh sản ở tuổi VTN, chứ không chỉ là không có bệnh hay khuyết tật của bộ máy đó”.
Hiện nay, trung bình mỗi năm cả nước ta có khoảng 300 nghìn ca phá thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên. Tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm, nhưng tỷ lệ này ở VTN, thanh niên lại có dấu hiệu gia tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp nạo phá thai ở các cơ sở y tế công lập. VTN-TN trong độ tuổi 10- 24 có kiến thức cơ bản về HIV/AIDS nhưng không đầy đủ, chỉ có 27% có kiến thức đúng, toàn diện và có khả năng trả lời tất cả các câu hỏi về HIV/AIDS.
Trước tình hình trên việc trang bị các kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên vô cùng cần thiết. Chăm sóc, giáo dục sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tương lai sự nghiệp của các em, góp phần nâng cao chất lượng dân số.Vì vậy cần có những buổi ngoại khóa nhằm tạo cho các em những hiểu biết cơ bản chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên từ đó tạo tiền đề cho các em có một lối sống lành mạnh và trang bị cho các em những kiến thức cơ bản cần thiết
Sáng ngày 21/10/2023 Trung tâm Y tế Đà Lạt đã thực hiện buổi truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản và dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS tại Trường THCS – THPT Đống Đa, Phường 7, Đà Lạt với sự tham gia của các ban ngành đoàn thể tại địa phương, cùng sự có mặt của các bạn học sinh Trường THCS – THPT Đống Đa. Những nội dung mà các em được tìm hiểu qua buổi truyền thông chủ yếu về các chủ đề như:
1. Tuổi dậy thì
2. Tình bạn và tình yêu đôi lứa
3. Tình dục an toàn và đồng thuận
4. Mang thai, tránh thai
5. Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục
6. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết
7. Xâm hại tình dục trẻ em
8. Một số khái niệm về giới tính và giới
9. Một số kỹ năng sống liên quan đến sức khỏe sinh sản vị thành niên
Thông qua chương buổi truyền thông các em được cung cấp kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, biết cách xử lý những tình huống nguy hiểm có thể đến với các em. Đây cũng là dịp để các em được giao lưu, chia sẻ kiến thức, quan điểm, rèn luyện kỹ năng sống, ứng xử trước những vấn đề đặt ra có liên quan đến các vấn đề giới tính.
Đau mắt đỏ (hay còn gọi viêm kết mạc mắt) là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc vi rút gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là viêm đỏ quanh vùng kết mạc mắt, kèm chảy dịch. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia.
Đau mắt đỏ xảy ra ở mọi đối tượng gồm trẻ em, người trưởng thành, người già. Bệnh này xảy ra quanh năm, rất dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây truyền qua nhiều cách, bao gồm tiếp xúc trực tiếp với người bệnh như nói chuyện, ôm hôn, hoặc bắt tay,… Ngoài ra, bệnh có thể lan truyền thông qua các vật dụng nhiễm mầm bệnh như khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi,... Sử dụng nguồn nước nhiễm mầm bệnh như ao, hồ, hoặc bể bơi cũng có thể là nguồn lây truyền bệnh. Hơn nữa, thói quen sờ mắt, đặt tay vào mũi hoặc miệng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói chung và thành phố Đà Lạt nói riêng số ca đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Trước diễn biến trên người dân cần chủ động phòng chống bệnh đau mắt đỏ theo các khuyến cáo của Bộ Y tế như sau:
1. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
2. Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
3. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
4. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
5. Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% trường hợp tử vong. Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong hàng đầu trên toàn thế giới đối tượng phần lớn là người lớn tuổi (>65 tuổi) thường gặp các bệnh như cao huyết áp, bệnh mạch vành và đột quỵ. Do đó, truyền thông các biện pháp phòng chống bệnh tim mạch để nâng cao nhận thức cho người dân phòng chống bệnh là hoạt động cần thực hiện thường xuyên.
Ngày 19/9/2023, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch số 188/KH-TTYT về việc hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh tim mạch (29/9) với chủ đề “ổn định huyết áp, bảo vệ trái tim” nhằm lan tỏa thông tin về phòng chống bệnh tim mạch đến mọi người, thay đổi hành vi nguy cơ, tạo thói quen, lối sống có lợi cho sức khỏe của người dân trên địa bàn.
( Truyền thông ngày thế giới phòng chống bệnh tim mạch 29/9)
Cho đến nay việc phòng bệnh chủ yếu là nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự tự nguyện của người dân và cộng đồng. Dưới đây là một số lời khuyên theo khuyến cáo của Liên đoàn Tim mạch Thế giới mọi người nên thực hiện các biện pháp sau đây để có một trái tim khỏe mạnh:
1. Chế độ ăn uống hợp lý, khẩu phần ăn có nhiều rau xanh, trái cây. Hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Không nên ăn mặn.
2. Tập thể dục thường xuyên: mỗi ngày tập từ 30 - 60 phút sẽ giúp phòng chống các bệnh lý tim mạch và sức lao động sẽ được cải thiện hơn.
3. Không hút thuốc lá, thuốc lào vì hút thuốc lá, thuốc lào là nguyên nhân trực tiếp gây nhồi máu cơ tim, đột qụy và nhiều bệnh lý tim mạch khác.
4. Duy trì cân nặng hợp lý, cần giảm cân (nếu thừa cân) sẽ làm giảm huyết áp, giảm các biến cố do bệnh lý tim mạch gây nên.
5. Nên khám sức khỏe định kỳ để biết được số huyết áp động mạch, hàm lượng cholesterol, hàm lượng đường trong máu, chỉ số vòng eo/vòng mông, chỉ số khối cơ thể (BMI). Nếu biết mình có nhiều yếu tố nguy cơ thì bạn càng cần phải có kế hoạch thực hiện lối sống lành mạnh một cách tích cực hơn để cải thiện sức khỏe của mình:
6. Hạn chế uống rượu, bia: vì uống nhiều rượu, bia làm huyết áp tăng và trọng lượng của bạn cũng tăng lên.
7. Tạo môi trường sạch sẽ, không có khói thuốc ở gia đình và công sở.
8. Cần có thời gian thư giãn, tập luyện nhẹ nhàng (nếu có thể) ngay tại chính nơi mình làm việc.
9. Tại nơi công sở cũng cần tránh ăn uống quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các loại thức ăn nhanh.
10. Tránh căng thẳng, lo âu quá mức. Hãy cùng nhau xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết, lành mạnh và hiệu quả./.
Nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh có thể lây lan trong trường học khi các học sinh chuẩn bị vào năm học mới, Trung tâm Y tế Đà Lạt cùng Phòng giáo dục và đào tạo thành phố Đà Lạt đã chủ động đề xuất phương án tổng vệ sinh, tẩy uế, thanh kiết môi trường phòng chống dịch bệnh tại trường học, nhóm trẻ trên địa bàn thành phố Đà Lạt trước khi tựu trường khai giảng năm học mới 2023-2024.
Trung tâm Y tế Đà Lạt đã cấp hóa chất Chloramin B, đảm bảo cho việc xử lý vệ sinh môi trường, tẩy uế, thanh trùng lớp học, khu vui chơi, nhà ăn, nhà vệ sinh… tại tất cả các nhóm trẻ gia đình, trường học.
Nhân viên Khoa Y tế dự phòng cùng Trạm Y tế các phường, xã đã trực tiếp hướng dẫn giáo viên và các cán bộ nhà trường pha hóa chất theo đúng nồng độ, thực hiện các khâu khử trùng để việc xử lý vệ sinh đạt được hiểu quả cao nhất.
Với tinh thần trách nhiệm và ý thức, các cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đã có những buổi lao động vệ sinh môi trường thật nhiệt tình và đầy tinh thần tránh nhiệm. Các lớp học được vệ sinh gọn gàng sạch đẹp, sân trường thoáng mát, đủ điều kiện đón các em học sinh trước thềm năm học mới.
Sau đây là một số hình ảnh của cán bộ giáo viên các trường Mầm Non, Tiểu học, THCS & THPT và các nhóm trẻ gia đình xử lý hóa chất trên địa bàn thành phố với công tác vệ sinh môi trường chuẩn bị chào đón năm học mới:
(Trường Mầm non 9)
(Trường Mầm non Xuân Thọ)
(MN Thông Non – P9)
( NTGĐ An Bình- P3)
(MN Thanh Tâm P5)
(MN Nhân Đạo – Tà Nung)
(MN Tà Nung – TN)