TIÊM VẮC XIN SỞI CHO TRẺ TỪ 6 ĐẾN DƯỚI 9 THÁNG TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
Trên địa bàn thành phố Đà Lạt những tháng đầu năm 2025 số ca mắc Sốt phát ban/Sởi liên tục gia tăng, tính đến ngày 23/02/2025 ghi nhận 272 trường hợp sốt phát ban/Sởi (số mắc tại Đà Lạt chiếm 45% số mắc toàn tỉnh), trong đó 05 ca có kết quả xét nghiệm dương tính. Số liệu giám sát ghi nhận số ca bệnh tại nhóm trẻ 6 đến dưới 9 tháng tuổi chiếm 10% số mắc. Đây là nhóm tuổi nhỏ, chưa đủ tuổi để tiêm sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng, trong khi kháng thể từ mẹ truyền sang con có thể đã sụt giảm dưới mức bảo vệ. Để chủ động phòng chống bệnh sởi cho nhóm đối tượng trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trước diễn biến dịch bệnh tại thành phố Đà Lạt đang tăng cao việc tiêm ngừa Sởi là rất cần thiết.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vắc xin sởi đơn giá có thể tiêm cho trẻ em từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các vụ dịch như là một biện pháp chống dịch tăng cường. Mũi vắc xin này được xem như là mũi “Sởi 0” và sau đó trẻ vẫn tiếp tục được tiêm chủng 02 mũi vắc xin sởi theo lịch của chương trình Tiêm chủng mở rộng vào lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi, (lưu ý mũi 1 cách mũi bổ sung ít nhất 4 tuần); Vắc xin sởi sử dụng cho trẻ dưới 9 tháng tuổi là an toàn và có hiệu quả trong việc phòng mắc bệnh sởi cho nhóm tuổi nhỏ khi có dịch bùng phát.
Chiến dịch tiêm sởi cho trẻ nhỏ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi đã được triển khai tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 11/11/2024, đem lại hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh Sởi. Ngày 22 tháng 1 năm 2025, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 272/QĐ-BYT triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch sởi năm 2025, theo kế hoạch này tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi sẽ được triển khai tại 24 tỉnh thành phố, Lâm Đồng sẽ triển khai tiêm vắc xin Sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trên quy mô toàn tỉnh vào tháng 3/2025. Tại thành phố Đà Lạt, phụ huynh hãy đưa trẻ trong độ tuổi từ đủ 6 đến dưới 9 tháng tuổi (trẻ sinh từ ngày 07/06/2024 đến ngày 05/09/2024) đến các Trạm Y tế vào ngày 05/03/2025, để trẻ được tiêm ngừa vắc xin Sởi, chủ động phòng chống dịch bệnh.
Địa điểm các Trạm Y tế trên địa bàn thành phố Đà Lạt:
1 Trạm Y tế Phường 1 99B Phan Đình Phùng, Phường 1 02633.510.263
2 Trạm Y tế Phường 2 226 KQH Nguyễn Lương Bằng, Phường 2 02633.520.906
3 Trạm Y tế Phường 3 15 Nhà Chung, Phường 3 02633.821.190
4 Trạm Y tế Phường 4 2/5 Lê Hồng Phong, Phường 4 02633.822.575
5 Trạm Y tế Phường 5 KQH Hoàng Diệu, Phường 5 02633.824.766
6 Trạm Y tế Phường 6 106 Thi Sách, Phường 6 02633.826.607
7 Trạm Y tế Phường 7 07 Nguyễn Siêu, Phường 7 02633.826.606
8 Trạm Y tế Phường 8 130 Phù Đổng Thiên Vương, Phường 8 02633.822.921
9 Trạm Y tế Phường 9 11 Quang Trung, Phường 9 02633.822.725
10 Trạm Y tế Phường 10 49 Phạm Hồng Thái, Phường 10 02633.821.356
11 Trạm Y tế Phường 11 Quốc lộ 20, Phường 11 02633.826.390
12 Trạm Y tế Phường 12 Tổ 29 Thái Phiên, Phường 12 02633.822.803
13 Trạm Y tế xã Xuân Thọ Thôn Lộc Quý, Xã Xuân Thọ 02633.826.598
14 Trạm Y tế xã Xuân Trường KQH Trường Xuân 2, xã Xuân Trường 02633.838.123
15 Trạm Y tế xã Trạm Hành Thôn Trạm Hành 1, xã Trạm Hành 02633.590.366
16 Trạm Y tế xã Tà Nung Thôn 3, xã Tà Nung 02633.595.537
TRUYỀN THÔNG DỊCH BỆNH SỞI
Tình hình dịch bệnh Sởi trên địa bàn thành phố Đà Lạt trong thời gian gần đây diễn biến khá phức tạp, số ca mắc ghi nhận tăng.
Bệnh Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh rất dễ lây và có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Bệnh rất dễ lây, thường gặp ở trẻ em, gây viêm long ở kết mạc mắt, đường hô hấp, tiêu hoá và các phát ban đặc hiệu. Có nhiều biến chứng nặng nề như viêm tai giữa cấp, Viêm phổi nặng, có thể dẫn đến tử vong, Viêm não, Tiêu chảy và ói mửa, Mờ hoặc loét giác mạc, có thể mù lòa, Suy dinh dưỡng nặng…
Tác nhân gây bệnh là vi rút sởi, thuộc nhóm Paramyxovirus gây ra. Người là ổ chứa duy nhất. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7 – 18 ngày, trung bình 10 ngày. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có tốc độ lây nhiễm rất cao, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh.
Để chủ động phòng chống bệnh sở người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.
2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.
3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng cách ăn uống đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.
4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.
5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời.
KHUYẾN CÁO CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH CÚM MÙA
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp thông qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.
Bệnh cúm thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 02 - 07 ngày, nhưng đối với trẻ em, người già sức đề kháng kém, đặc biệt là người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ... thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân thực hiện tốt các biện pháp:
1. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng.
2. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi).
3. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
4. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
5. Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.
6. Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
*Lưu ý: Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.