THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH
UỐNG VITAMIN A ĐỢT 2/2024 CHO TRẺ TỪ 6 – 36 THÁNG TUỔI
Vitamin A là một loại dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên trong khẩu phần thức ăn hàng ngày, dưỡng chất này thường không đủ đáp ứng nhu cầu của trẻ nhỏ. Nếu thiếu Vitamin A có thể dẫn đến mắc một số bệnh về mắt như quáng gà (không nhìn rõ trong điều kiện ánh sáng yếu), thậm chí gây tổn thương giác mạc mắt gây mù lòa vĩnh viễn, về thể chất trẻ em bị chậm phát triển so với những trẻ bình thường. Vì vậy việc bổ sung Vitamin A sẽ đáp ứng nhu cầu của cơ thể để phục vụ cho các chức năng nhìn, phát triển, bảo vệ toàn vẹn biểu mô và sự phân bào miễn dịch ở trẻ nhỏ.
Vitamin A thường sử dụng cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi, được uống theo chiến dịch bổ sung Vitamin A toàn quốc mỗi năm 2 lần (lần 1 vào tháng 6, lần 2 uống vào tháng 12).
Uống Vitamin A trong chiến dịch
Trong đợt tổ chức uống Vitamin A, trẻ còn được nhân viên y tế cân trọng lượng, đo chiều cao và tư vấn tình trạng dinh dưỡng, khuyến cáo các bà mẹ phương pháp chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cần thiết theo độ tuổi để trẻ phát triển toàn diện thể chất, tinh thần.
* Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, mỗi người, mỗi gia đình hãy thực hiện:
1. Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm; Ưu tiên lựa chọn, sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng.
2. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; Cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.
3. Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; Thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu Vitamin A và các vitamin tan trong chất béo.
4. Cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A một năm 2 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
5. Trẻ từ 24 - 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun định kỳ 2 lần một năm; Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.
6. Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt, acid folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
7. Tiếp xúc ánh nắng hàng ngày, đúng cách để dự phòng thiếu Vitamin D.
8. Đảm bảo an toàn thực phẩm góp phần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.
HƯỞNG ỬNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa, biểu hiện bằng tình trạng tăng lượng đường trong máu một thời gian dài. Các triệu chứng của đường huyết cao bao gồm: ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân nhiều.
Nếu không chữa trị, bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng. Các biến chứng cấp tính bao gồm: hạ đường huyết, hôn mê nhiễm toan ceton, thậm chí tử vong.
* Các biến chứng bệnh đái tháo đường:
Biến chứng mạn tính bao gồm: bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận mạn tính, loét chân, bệnh lý võng mạc.
Các biến chứng bệnh Đái tháo đường gây nên
* Phân loại:
- Bệnh đái tháo đường là do tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào của cơ thể không đáp ứng với insulin. Có 3 loại đái tháo đường:
+ Đái tháo đường típ 1: là tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, do vậy trước dây còn gọi là “đái tháo đường phụ thuộc insulin” hoặc “đái tháo đường vị thành niên”.
+ Đái tháo đường típ 2: là do sự đề kháng với insulin, các tế bào không đáp ứng với insulin, do đó còn gọi là “đái tháo đường không phụ thuộc insulin”.
+ Đái tháo đường thai kỳ: xảy ra khi phụ nữ một phụ nữ chưa hề mặc bệnh đái tháo đường mà trong khi mang thai lại có nồng độ đường trong máu cao.
* Làm sao để biết mình có bệnh đái tháo đường hay không?
- Xét nghiệm máu sau 8 giờ nhịn đói (đường huyết lúc đói) để biết được chính xác tình trạng đường huyết của mình. Sau đó dựa vào trị số đường huyết lúc đói, bác sĩ sẽ kết luận tình trạng đường huyết:
+ Đường huyết đói: < 100mg/dl bình thường
+ Đường huyết đói: 100-126mg/dl tiền đái tháo đường
+ Đường huyết đói >126mg/dl đái tháo đường.
- Ngoài chỉ số đường huyết lúc đói, xét nghiệm HbA1c sẽ cho biết mức đường huyết trung bình trong 2-3 tháng gần nhất. Nếu HbA1c ≥ 6.5% sẽ phản ánh tình trạng mắc bệnh đái tháo đường. Ngoài ra, đây là xét nghiệm tốt nhất để theo dõi sự kiểm soát đường huyết của bệnh nhân, giúp các bác sĩ biết được đường huyết có được kiểm soát tốt hay không trong thời gian 2-3 tháng vừa qua.
+ HbA1c: < 6,5%: kiểm soát đường huyết tốt.
+ HbA1c: 6,5% - 7,5% : kiểm soát đường huyết chấp nhận được.
+ HbA1c: >7,5% : kiểm soát đường huyết kém.
Xét nghiệm đường máu để phát hiện bệnh Đái tháo đường
* Những ai dễ mắc bệnh đái tháo đường?
Khác với đái tháo đường típ 1 và đái tháo đường thai kỳ hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân, đái tháo đường típ 2 có những yếu tố nguy cơ:
- Yếu tố nguy cơ can thiệp được:
+ Thừa cân béo phì
+ Ít hoạt động thể lực
+ Tăng huyết áp
+ Rối loạn mỡ máu
+ Tiền đái tháo đường
+ Rối loạn đường huyết lúc mang thai
- Yếu tố nguy cơ không can thiệp được:
+ Trên 40 tuổi
+ Gia đình từng có người bị đái tháo đường
* Phòng ngừa và điều trị đái tháo đường:
- Ăn uống:
+ Ăn đa dạng các loại thực phẩm, trong đó chú ý nhiều rau quả và trái cây
+ Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều tinh bột
+ Tránh thực phẩm nội tạng động vật, thức uống nhiều đường (nước ngọt)
- Tập luyện:
+ Luyện tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày
+ Kiểm soát cân nặng BMI từ 18-25
Trong đó quan trọng nhất là việc khám tầm soát ít nhất 1 năm/lần đối với người chưa mắc bệnh (6 tháng/lần đối với người có yếu tố nguy cơ) và điều trị thường xuyên đối với người đã mắc bệnh.
Để dự phòng, kiểm soát bệnh đái tháo đường, cần hướng dẫn để tăng cường dinh dưỡng hợp lý và hoạt động thể lực cho người dân. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cũng cần tiếp tục nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, đồng thời chú trọng phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới bác sỹ gia đình để truyền thông vận động cộng đồng thay đổi hành vi, phòng chống yếu tố nguy cơ, cung cấp các dịch vụ dự phòng, tư vấn đầy đủ cho người dân, bảo đảm người nguy cơ cao, người mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện sớm, quản lý điều trị liên tục và lâu dài tại cộng đồng.
ĐÀ LẠT TRIỂN KHAI TRUYỀN THÔNG NGÀY TOÀN DÂN SỬ DỤNG MUỐI I ỐT 02/11
Trong suốt nhiều năm qua, ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (02/11) đã trở thành một dịp quan trọng để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của I-ốt đối với sức khỏe và phòng chống các bệnh do thiếu I-ốt gây ra.
Muối I-ốt là một loại muối ăn thông thường được bổ sung thêm I-ốt, một nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể con người. Nó được giải phóng trong dạ dày và hấp thu vào máu sau khi ăn uống các loại thực phẩm chứa I-ốt như: cá, tôm, tảo biển, rau xanh, sữa và đặc biệt là muối.
Đối với tất cả mọi người I-ốt là một vi chất dinh dưỡng cần thiết, từ trẻ em đến người lớn và người già.
Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và thai nhi I-ốt là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe. Nó giúp cải thiện sức khỏe của phụ nữ mang thai và thai nhi, từ giai đoạn chuẩn bị mang thai cho đến khi con trẻ mới chào đời. Thiếu I-ốt trong giai đoạn này có thể gây ra nhiều vấn đề lớn như sảy thai, thai chết lưu, sinh non và trẻ sinh ra bị suy giáp.
Đối với trẻ nhỏ, I-ốt cũng có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự phát triển thể chất và trí tuệ. Thiếu I-ốt ở trẻ em có thể dẫn đến các vấn đề như đần độn, thiểu năng trí tuệ, chậm phát triển thể chất, thậm chí là khuyết tật của não bộ.
I-ốt là yếu tố quan trọng để duy trì hoạt động của các hormone tuyến giáp, giúp điều hòa các chức năng của cơ thể như trao đổi chất, chuyển hóa năng lượng và ảnh hưởng đến sự hoạt động của gan, thận và tim. Việc không đảm bảo cung cấp đủ I-ốt cho cơ thể có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của chính mình và cả thế hệ sau này. Vì vậy, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch số 144/KH-TTYT ngày 25 tháng 10 năm 2024 về Truyền thông ngày toàn dân sử dụng muối I ốt 02/11.
Truyền thông ngày toàn dân sử dụng muối I ốt
* Một số lưu ý khi sử dụng muối và các gia vị mặn có I-ốt:
● Chọn các loại muối và các gia vị mặn có bổ sung I-ốt: Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại muối và các gia vị mặn được bổ sung I-ốt, bạn có thể lựa chọn loại phù hợp và đảm bảo nguồn cung cấp đầy đủ I-ốt cho cơ thể.
● Dùng muối và các gia vị mặn có chứa I-ốt trong bữa ăn hàng ngày: Để đảm bảo đủ lượng I-ốt cần thiết cho cơ thể, bạn nên sử dụng muối và các gia vị mặn có chứa I-ốt trong bữa ăn hàng ngày.
● Không sử dụng quá mức: Dù cần thiết, nhưng bạn không nên sử dụng muối và các gia vị mặn có chứa I-ốt quá mức. Việc sử dụng quá mức có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn tiền đình.
● Sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng: Để có được sức khỏe tốt, việc bổ sung I-ốt trong chế độ ăn uống cần kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và đa dạng, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Ngày toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt – 02/11 là dịp để tất cả chúng ta nhận thức và hưởng ứng việc sử dụng muối và các gia vị mặn bổ sung I-ốt trong bữa ăn hàng ngày, để giữ gìn sức khỏe và tương lai của chúng ta và thế hệ sau này. Hãy cùng nhau đóng góp vào việc phòng chống các bệnh do thiếu I-ốt gây ra và xây dựng một cộng đồng mạnh khỏe.
Người dân thực hiện tổng vệ sinh tại nhà sinh hoạt, tuyến đường tại cộng đồng
Quét dọn thu gom rác, đổ bỏ các dụng cụ chứa nước có lăng quăng
RA QUÂN TỔNG VỆ SINH MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN XÃ TÀ NUNG
Nhằm tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, duy trì và đảm bảo công tác vệ sinh, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp trên địa bàn xã. Đồng thời, nhằm huy động sự tham gia của các ban ngành đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của người dân công tác phòng chống dịch bệnh trước tình hình Sốt xuất huyết đang co nguy cơ bùng phát trên địa bàn xã.
Ủy ban nhân dân xã Tà Nung đã phát động lễ ra quân vệ sinh môi trường trên địa bàn toàn xã vào ngày 10/8/2024, với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị trường học, các cơ sở tôn giáo, các khu du lịch, hộ kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí … và người dân trên địa bàn xã. Ban điều hành 6 thôn thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, thu gom xử lý chất thải, rác thải…
Người dân đã tiến hành vệ sinh, phát quang, dọn dẹp tất cả các tuyến đường, các cống rãnh và các khu trung tâm thôn, hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng.... Làm đến đâu xử lý rác thải đến đó bằng hình thức quét dọn, thu gom.
Trong thời gian tới, các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương và người dân cần tiếp tục duy trì công tác vệ sinh, giữ gìn môi trường xanh – sạch – đẹp, tiếp tục tuyên truyền các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết:
- Đậy kín và chủ động cọ rửa bên trong các các dụng cụ chứa nước ít nhất 1 lần/tuần.
- Lật úp các dụng cụ chứa nước hoặc có thể chứa nước khi không dùng đến.
- Loại bỏ vật phế thải gây đọng nước.
- Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh.
- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
ĐÀ LẠT TRIỂN KHAI KHÁM SÀNG LỌC ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
TẠI CỘNG ĐỒNG
Đái tháo đường (ĐTĐ) hay gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
Tại Việt Nam tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đang gia tăng nhanh, hiện nay có khoảng 7 triệu người mắc đái tháo đường. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Người mắc bệnh ĐTĐ nếu không được tầm soát, phát hiện sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Xác định việc tầm soát, phát hiện sớm bệnh ĐTĐ giúp quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, kiểm soát và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, giảm gánh nặng cho chi phí điều trị bệnh.
Thời gian qua, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã tăng cường các hoạt động truyền thông tại cộng đồng nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa nguy cơ ĐTĐ, phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời.
Từ ngày 17/6/2024 đến ngày 20/6/2024, Trung tâm Y tế Đà Lạt cũng đã phối hợp với các Trạm Y tế triển khai khám sàng lọc bệnh Đái tháo đường cho 791 người dân 40 tuổi trở tại Phường 1, Phường 2, Phường 4 và xã Xuân Thọ). Trong buổi khám sàng lọc người dân sẽ được đo các chỉ số nhân trắc (cân nặng, chiều cao, vòng bụng), đo huyết áp, nhịp tim, test nhanh sàng lọc đường máu mao mạch; thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose cho 193 người, phát hiện được 63 người Đái tháo đường (chiếm 7,9%) và 71 người tiền đái tháo đường (chiếm 8,95%). Bên cạnh đó, cán bộ y tế tư vấn thay đổi lối sống để dự phòng bệnh đái tháo đường như: chế độ dinh dưỡng hợp lí, luyện tập phù hợp với nhóm tuổi, các biện pháp phòng tránh bệnh lý đái tháo đường.
Chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để dự phòng và làm chậm các biến chứng nguy hiểm do đái tháo đường gây ra. Mỗi người dân hãy dự phòng bệnh đái tháo đường bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, tăng cường vận động thể lực, kiểm tra lượng đường trong máu định kì theo tư vấn của bác sĩ.
HƯỞNG ỨNG NGÀY ASEAN PHÒNG CHỐNG SỐT XUẤT HUYẾT
TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút Dengue gây ra và bệnh có thể trở thành dịch. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người qua vết đốt. Dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thường tăng cao vào mùa mưa, đây là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Trong thời gian gần đây bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng trên địa bàn thành phố đồng thời tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu, điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thuận lợi cho sự phát triển cho quẩn thể muỗi Aedes, bên cạnh đó số ca bệnh SXHD ở những địa phương lân cận như Lâm Hà, Đức Trọng, Đơn Dương đang có xu hướng tăng cao; nguy cơ dịch bệnh SXHD có thể gia tăng tại thành phố Đà Lạt do đó cần chủ động các biện pháp phòng chống Sốt xuất huyết.
Hầu hết, các ca sốt xuất huyết đều có triệu chứng nhẹ, tuy nhiên bệnh cũng có thể trở nặng, thậm chí gây tử vong. Người dân khi có biểu hiện mắc bệnh/triệu chứng sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, chấm/mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, da xung huyết, phát ban, đau cơ, đau khớp, đau bụng vùng gan cần đến ngay cơ sở y tế đế khám và điều trị kịp thời.
Trong nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động của sốt xuất huyết, ASEAN đã chọn ngày 15/6 là “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”, điều này thể hiện mạnh mẽ sự quyết tâm hướng tới một ASEAN không có sốt xuất huyết. Hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết” năm 2024, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã triển khai Kế hoạch số 86/KH-TTYT ngày 24/5/2024 nhằm mục đích tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống Sốt xuất huyết.
Để phòng chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả cần có sự chung tay của chính quyền các cấp và đặc biệt là mỗi người dân trong cộng đồng ý thức trách nhiệm, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại hộ gia đình, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau để phòng chống SXH:
- Đậy kín và chủ động cọ rửa bên trong các các dụng cụ chứa nước ít nhất 1 lần/tuần.
- Lật úp các dụng cụ chứa nước hoặc có thể chứa nước khi không dùng đến.
- Loại bỏ vật phế thải gây đọng nước.
- Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối,…
- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng/bọ gậy.
- Phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh.
- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT HƯỞNG ỨNG
NGÀY THẾ GIỚI KHÔNG TÁC HẠI THUỐC LÁ
Hàng năm, vào ngày 31 tháng 5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác toàn cầu kỷ niệm Ngày Thế giới không thuốc lá. Chiến dịch hàng năm là cơ hội để nâng cao nhận thức về tác hại của việc hút thuốc và hút thuốc thụ động, khuyến khích nói không với thuốc lá.
Những năm gần đây số người sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chiều hướng gia tăng, nhất là trong giới trẻ. Vì cho rằng, hút hai loại này chỉ để nhả khói cho vui và dùng để cai nghiện hút thuốc lá điếu truyền thống. Nhưng suy nghĩ như vậy là chưa hoàn toàn đúng, bởi những tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng ảnh hưởng đến sức khỏe không thua kém gì thuốc lá điếu truyền thống.
Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc hại, gây nghiện, gây bệnh tật, tử vong, đa phần thuốc lá điện tử có chứa Nicotine - chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, đồng thời cũng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì, gây ra sinh non và thai chết lưu.
Thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Nồng độ một số hóa chất thấp hơn trong thuốc lá điếu thông thường, nhưng nồng độ một số hóa chất khác lại cao hơn và nồng độ hóa chất thấp không đồng nghĩa với giảm nguy cơ sức khỏe. Khói thuốc nung ngoài gây hại cho người hút thì còn gây tác hại cho người xung quanh do hút thuốc thụ động. Vì thuốc lá làm nóng chứa nicotine là chất gây nghiện mạnh có hại cho sức khỏe, đặc biệt đối với trẻ em, vị thành niên và phụ nữ có thai. Phơi nhiễm các chất có trong thuốc lá làm nóng có thể gây ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung. Làm giảm việc cung cấp oxy tới tim làm tăng nguy cơ gây huyết khối, bệnh tim và đột quỵ...
Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá 31/5, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá và Tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn địa bàn thành phố, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã triển khai Kế hoạch số 87/KH-TTYT ngày 27/5/2024 nhằm mục đích tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống tác hại của thuốc lá, vận động tất cả mọi người hãy bỏ thuốc lá ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, cho những người xung quanh và tạo môi trường không khói thuốc lá. Đừng hút thuốc lá trong nhà khi có trẻ em, người già và phụ nữ mang thai, đừng mời hoặc nhận thuốc lá từ bạn bè, đồng nghiệp. Không hút thuốc lá tại cơ quan, công sở, trường học, cơ sở y tế và các địa điểm công cộng khác. Và hãy giảm thuốc lá, tiến tới cai nghiện thuốc lá; kiên quyết nói không với thuốc lá khi chưa từng hút, hãy để môi trường xung quanh không khói thuốc lá.
THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH
KHÁM SÀNG LỌC LAO TIỀM ẨN
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm do vi trùng lao gây nên. Bệnh lao hình thành khi vi trùng lao xâm nhập vào một cơ quan nào đó trong cơ thể và sinh sôi đồng thời cơ thể không thể chống lại vi trùng này.
Bệnh lao tiềm ẩn là cơ thể người khỏe mạnh mang vi khuẩn lao ở thể bất hoạt. Những người này không có triệu chứng, không có dấu hiệu bị bệnh và không thể lây bệnh lao cho người khác. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch bị suy yếu có thể sẽ dẫn tới mắc bệnh lao. Hoạt động khám sàng lọc nhằm phát hiện các bệnh nhân lao tiềm ẩn trong cộng đồng, đưa vào điều trị tất cả các ca lao tiềm ẩn được phát hiện, ngăn chặn lao tiềm ẩn sẽ trở thành lao hoạt động, giảm thiểu nguồn lây lao trong cộng đồng.
Thực hiện test Mantoux phát hiện lao tiềm ẩn
Trung tâm Y tế Đà Lạt đã xây dựng Kế hoạch số 81/KH-TTYT ngày 07/5/2024 triển khai khám sàng lọc lao tiềm ẩn năm 2024 cho các đối tượng tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh lao (bệnh nhân mắc lao trong năm 2023 – 2024) chưa được làm test Mantoux. Trong đợt khám sàng lọc ngày người dân sẽ được khám sàng lọc ban đầu để loại trừ bệnh lao hoạt động, làm xét nghiệm Mantoux; tư vấn bệnh nhân chụp X-quang, lấy đàm kiểm tra, xét nghiệm chức năng gan SGOT, SGPT khi có kết quả Mantoux dương tính. Tất cả bệnh nhân có kết quả dương tính sẽ tư vấn và đưa vào điều trị lao tiềm ẩn miễn phí.
HƯỞNG ỨNG NGÀY THẾ GIỚI PHÒNG CHỐNG TĂNG HUYẾT ÁP
Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính gây các biến chứng nguy hiểm như đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy tim, nhồi máu cơ tim, suy thận, xuất huyết võng mạc… là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong sớm trên toàn cầu. Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có triệu chứng do đó nhiều người không được phát hiện và chẩn đoán kịp thời.
Kế hoạch hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống tăng huyết áp nhằm lan tỏa thông tin về phòng chống bệnh tim mạch đến mọi người, thay đổi hành vi nguy cơ, tạo thói quen, lối sống có lợi cho sức khỏe của người dân trên địa bàn.
Để phòng chống nguy cơ tăng huyết áp. Dưới đây là một số lời khuyên theo khuyến cáo của Bộ Y tế mọi người nên thực hiện có một trái tim khỏe mạnh:
- Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, kiểm soát cân nặng của mình.
- Tăng cường ăn rau và trái cây
- Giảm ăn muối xuống dưới 5g/ngày
- Tích cực vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Không hút thuốc, hạn chế rượu bia
- Đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm tăng huyết áp, đặc biệt đối với người trên 40 tuổi. Mỗi người hãy nhớ số đo huyết áp của mình.
- Người mắc tăng huyết áp nên tuân thủ việc dùng thuốc và thực hiện đầy đủ chế độ dinh dưỡng, vận động theo lời khuyên của thầy thuốc.
HƯỞNG ỨNG TUẦN LỄ QUỐC GIA NƯỚC SẠCH
VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
Nước là tài nguyên quan trọng và quý giá đối với bất kì sinh vật nào trên trái đất. Môi trường là tập hợp tất cả các điều kiện, hiện tượng trong tự nhiên như: đất, nước, không khí, thế giới động vật và thực vật. Môi trường có mối quan hệ mật thiết qua lại với sức khỏe con người. Khi môi trường bị ô nhiễm như: ô nhiễm nước, không khí, đất, thực phẩm và các ô nhiễm khác sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực cho lao động, sản xuất, đời sống và đặc biệt là sức khẻ con người.
Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường hàng năm do Thủ tướng Chính phủ phát động từ năm 1998, được các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong nước tích cực hưởng ứng, đạt được những kết quả đáng khích lệ về cấp nước và vệ sinh, góp phần làm thay đổi chất lượng và điều kiện sống của người dân nông thôn, đặc biệt là trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước. Tuần lễ Quốc gia nước sạch và Vệ sinh môi trường năm 2024 với chủ đề “Đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu” được tổ chức phát động bắt đầu từ ngày 29/4 đến ngày 06/5/2024, có thể kéo dài đến Ngày môi trường thế giới 05/6/2024 và lồng ghép với các sự kiện và ngày lễ lớn khác với mục đích nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong điều kiện khí hậu ngày càng nóng lên, hạn hán, xâm nhập mặn,..
Hiện nay, tuy tài nguyên nước bề mặt của nước ta tương đối dồi dào, nhưng đó không phải là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm ở các mức độ khác nhau. Nước ngầm nhiều nơi hiện nay cũng đang trở nên ô nhiễm và thiếu do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, dụng cụ để thu hứng để lấy nước mưa không đảm bảo vệ sinh.
Những điều cần làm để hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường: Thu gom và đổ rác thải vào thùng rác hoặc hố rác; Đổ rác vào xe nếu ở khu vực có xe rác công cộng; Nếu ở khu vực không có xe rác, nên đổ rác vào hố có nắp đậy rồi đốt hoặc chôn; Xác súc vật nên được chôn sâu và chôn xa nguồn nước, xa nhà; Diệt chuột, ruồi, nhặng xung quanh nơi ở...
Một số thông điệp truyền thông:
- Đảm bảo Nước sạch và Vệ sinh môi trường là xây dựng Nông thôn mới.
- Chủ động cấp, trữ nước an toàn, giải pháp hiệu quả ứng phó nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
- Sử dụng nước tiết kiệm -hiệu quả là bạn đã chia sẻ cơhội cho mọi người.
- Hãy cùng hành động cải thiện điều kiện nước sạch và vệ sinh cho cộng đồng.
- Bảo vệ nguồn nước là góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước Quốc gia.
- Bảo vệ công trình cấp nước là quyền và nghĩa vụ của mọi người.
- Nước sạch và vệ sinh là sức khỏe cộng đồng và sự phát triển của trẻ em.
- Rửa tay bằng xà phòng -hành động đúng -sức khỏe thật.
- Thu gom, xử lý chất thải, rác thải, vì xóm làng Xanh - Sạch - Đẹp.
HƯỞNG ỨNG THÁNG HÀNH ĐỘNG AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT
An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động. Nói cách khác an toàn lao động chính là giải pháp để không xảy ra tai nạn trong quá trình lao động. Còn vệ sinh lao động là giải pháp để giúp người lao động không bị các bệnh liên quan đến nghành nghề đang làm.
Nhằm mục đích tạo cao điểm về các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) và triển khai chủ đề của Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024, Trung tâm Y tế Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch số 52/KH-TTYT ngày 01/3/2024 Triển khai Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 trên địa bàn thành phố Đà Lạt. Với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”.
Trong Tháng hành động, trên địa bàn thành phố sẽ diễn ra lễ phát động tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024, nhằm tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động; thực hiện các hoạt động chăm sóc, khám sức khỏe người lao động; biện pháp làm việc an toàn tại các cơ sở lao động nhỏ, lẻ và các doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn.
* Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 với các câu khẩu hiệu:
- Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2024.
- Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.
- Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng.
- Chủ động kiểm soát các nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ.
- Tham gia đầy đủ công tác huấn luyện về ATVSLĐ để phòng ngừa TNLĐ, BNN.
- Cùng hành động vì môi trường làm việc An toàn - Xanh - Sạch - Đẹp - Thân thiện.
- An toàn lao động là hạnh phúc của mỗi gia đình.
- Tuân thủ nội quy, quy trình an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.
- Chủ động thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động.
- Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động.
ĐÀ LẠT TRIỂN KHAI UỐNG THUỐC TẨY GIUN CHO HỌC SINH
TẠI CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA BÀN
Khi nhiễm giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu chất dinh dưỡng, mặt khác, lại còn phải chia bớt phần thức ăn cho những vị khách không mời này nên các bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ mắc bệnh nhiễm khuẩn khác.
Trẻ bị nhiễm giun sẽ hay rối loạn tiêu hóa, đau bụng vặt, buồn nôn, ... Có một số trẻ bị nhiễm giun nặng thì suy dinh dưỡng. Nếu nhiễm giun tóc, giun móc sẽ gây thiếu máu.
Uống thuốc tẩy giun tại Trường TH Vùng Vương - Phường 10.
Hoạt động tẩy giun nhằm, phòng chống bệnh giun, sán cho trẻ em, góp phần vào việc nâng cao sức khoẻ, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh lứa tuổi tiểu học. Trung tâm Y tế Đà Lạt đã phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố, Trạm Y tế phường/xã và các Trường Tiểu học trên địa bàn triển khai Kế hoạch số 74/KHLN-TTYT ngày 22/4/2024 thực hiện tẩy giun đợt I/2024 cho học sinh tiểu học tại tất cả các trường tiểu học chính và phân hiệu trên địa bàn thành phố.
Trong 2 ngày 02-03/05/2024 toàn thành phố có 19.557 học sinh được uống thuốc tẩy giun miễn phí trong chương trình. Kết thúc đợt toàn thành phố đã tiến hành tẩy giun cho 20.444/20.909 học sinh đạt 97,79%.